Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Bình luận văn hóa

Câu hỏi: Anh(chị) có suy nghĩ gì về nhận định “Trong xã hội ta hiện nay, một số người có học vấn càng cao thì văn hóa càng thấp” ?
BÀI LÀM:
Trước hết ta cần hiểu hai khái niệm học vấn và văn hóa, sự liên hệ giữa chúng để tránh nhầm lẫn sau này. Từ đó ta sẽ lý giải về nhận định “Trong xã hội ta hiện nay, một số người có học vấn càng cao thì văn hóa càng thấp”. Những người có học vấn càng cần coi trọng sự chính xác của những khái niệm bởi nếu khái niệm không chuẩn xác thì tư duy lý luận đương nhiên sẽ sai lệch.
Học vấn là chỉ những hiểu biết, tri thức nhờ học tập mà có. Học vấn có thể cân, đo, đong, đếm được. Ở Việt Nam có các trình độ học vấn: Mầm mon, tiểu học, THCS, THPT, Đại học và sau Đại học.
Văn hóa  khái niệm rất rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Hiện nay trên thế giới có khoảng 400 định nghĩa khác nhau về văn hóa nhưng vẫn chưa có sự nhất trí cao trong các học giả. Văn hóa có thể hiểu là những gì gắn với con người và do con người sáng tạo ra. Ta có thể chia văn hóa ra thành văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Nếu chia nhỏ ra thì ta có văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Văn hóa bao trùm vô số những nội dung thuộc về con người như: phong tục, tập quán, ngôn ngữ,...
Như vậy học vấn chỉ là một bộ phận rất nhỏ thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần của con người. Học vấn cũng là thành tố khá quan trọng của văn hóa con người. Người có học vấn càng cao thì khả năng tiếp nhận văn hóa càng thuận lợi. Tuy nhiên, có trường hợp ngay cả người không biết chữ nhưng thông thạo các lĩnh vực thuộc về con người của từng vùng, từng địa phương vẫn được coi là người có văn hoá. Trong khi, có những người có học vấn cao như nói trên, song khi tiếp cận đến một vùng văn hoá mới mà họ không thông thạo, hoặc bỏ qua các lễ nghi, phép tắc của địa phương đó, lập tức sẽ bị coi là vô văn hoá hay thiếu văn hoá.
Văn hóa chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống xã hội của nước ta. Nghị quyết Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam đã đề ra: “Phương hướng chung của sự nghiệp vǎn hóa nước ta là phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc , ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền vǎn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thụ tinh hoa vǎn hóa nhân loại, làm cho vǎn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, vǎn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Thực hiện Nghị Quyết TW 5 của Đảng, nhiều năm qua hệ thông giáo dục quốc dân nước ta đã mở nhiều loại hình đào tạo từ chính quy tập trung đến liên thông, liên kết, đào tạo tại chức, đào tạo từ xa,… Nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng được yêu cầu ngàng càng cao của thời đại mới. Hiện nay, nước ta có khoảng 9.000 giáo sư, hơn 24.000 tiến sĩ và hằng năm có hằng chục nghìn cử nhân ra trường. Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập văn hóa. Tuy nhiên, một bộ phận có học vấn càng cao thì văn hóa có dấu hiệu càng thấp, biểu hiện ở một số mặt như sau:
1. Văn hóa ứng xử: Hiện nay văn hóa ứng xử của một bộ phận không nhỏ những người có học vấn cao có dấu hiệu ngày càng thấp hay còn gọi là thiếu văn hóa, vô văn hóa. Chẳng hạn, tình trạng hách dịch cửa quyền trong một số cơ quan Nhà nước khi tiếp dân; Tình trạng bác sỹ nhận tiền phong bì của bệnh nhân, làm bệnh án giả, xét nghiệm giả; Tình trạng giáo viên đánh đập, xúc phạm học sinh; Tình trạng con cháu đối xử thô bạo với cha me, ông bà trong gia đình; Tình trạng đáng ghen tạt a xít, lột quần áo, xúc phạm lẫn nhau diễn ra tràn lan được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng,…
2. Văn hóa giao thông: Đất nước đang ngày càng phát triển kéo theo các phương tiện tham gia giao thông cũng ngày càng tăng cao cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, văn hóa giao thông lại có chiều hướng đi ngược lại với xu hướng phát triển, thể hiện qua việc những người tham gia giao thông vô cảm trước những tai nạn giao thông, coi thường tính mạng của con người, coi thường luật lệ giao thông, xúc phạm người thi hành công vụ giao thông,…
3. Văn hóa giải trí: Một số người có học vấn cao thường rất nhạy bẽn trước những văn hóa hội nhập quốc tế cũng chính vì vậy mà họ cũng rất dễ tiếp nhận những văn hóa giải trí lai căng không phù hợp với văn hóa của người Việt Nam. Chẳng hạn, tình trạng các ca sỹ, nghệ sỹ cố tình ăn mặc hở hang để gây sự chú ý, tạo sì–cang-đan nhằm lợi dụng sự tò mò của khán giả để được nổi tiếng; Tình trạng một số đạo diễn, diễn viên sản xuất những bộ phim có quay những cảnh nóng ở chốn phòng the nhằm thu hút khán giả để rồi tiêm nhiễm những văn hóa độc hại cho xã hội; Tình trạng tự quay, quay lén những cảnh ân ái tình dục sống thử đã phổ biến đến bộ phận thế hệ trẻ là học sinh, sinh viên; Tình trạng truy cập các trang web độc hại, sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện để thoả mãn nhu cầu giải trí ngày càng cao đã không còn lạ,…
4. Văn hóa ẩm thực: Càng học vấn cao thì càng hiểu biết nhiều về đồ ăn, thức uống nên một số người hay lạm dụng vấn đề ăn uống để khoe khoang sự hiểu biết của mình. Nhiều bữa cỗ được tổ chức linh đình, ầm ý với những món ngon vật lạ để đãi khách nhằm phô trương tiềm lực kinh tế, nâng cao vị thế vật chất của bản thân trước bàn dân thiên hạ. Nhiều đồ ăn uống được chế biến từ những động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được con người có hiểu biết, có học vấn sử dụng như là cách để thể hiện đẳng cấp của mình. Có thể nói vấn đề ẩm thực đang là cái mốt mà con người tận dụng để tạo ấn tượng tốt lẫn nhau trong các mối quan hệ, giao lưu, hội họp. Tuy nhiên, những người lạm dụng quá vấn đề ẩm thực đã làm xấu đi hình ảnh văn hóa của mình mặc dù họ cũng là những người có học vấn, có địa vị trong xã hội.
5. Văn hóa tín ngưỡng: Câu thành ngữ “ Phú quý sinh lễ nghĩa” luôn phản ánh đúng hiện thực khách quan của con người muôn đời nay. Cuộc sống con người càng khấm khá thì càng có điều kiện để thể hiện cái văn hóa “lễ nghĩa” của mình. Nhiều đám tang, cúng lễ được tổ chức linh đình kéo dài hàng chục ngày với đầy đủ các loại cúng bái, vật phẩm cúng lễ đắt tiền gây lãng phí cũng như là phiền toái. Càng có học thức cao thì càng muốn thể hiện cái “lễ nghĩa” của mình càng phong phú nên không ít người đã lạm dụng nó để biến tướng thành việc đánh bóng hình ảnh văn hóa của mình,…
Văn hóa là vấn đề rất rộng nên trong khuôn khổ của một bài viết nhỏ ta không thể trình bày được hết các lĩnh vực của văn hóa mà ở đó con người thể hiện, trong đó có một bộ phận là một số người có học vấn cao. Trở lại chủ đề của bài viết, ta có thể thấy một số lĩnh vực văn hóa kể trên đang hiện hữu trong xã hội ta hiện nay và có nguy cơ ngày một xuống cấp. Sự thể hiện văn hóa của một số người có học vấn cao thường tỏ ra là mình hiểu biết rộng, trí thức cao nên xảy ra hiện tượng cho phép mình tự có những hành động trái với chuẩn mực của xã hội, trái với phong tục, tập quán của địa phương.
Hiện tượng người có học thức cao khinh thường người có học thức thấp, tự cao, tự đại, khoe khoang, khoác lạc, tự cho mình cái quyền tự do phát ngôn trái với chuẩn mực đạo đức không phải là trường hợp hiếm gặp trong xã hội ta hiện nay, nhất là đối với thế hệ trẻ là thanh niên. Học vấn cao nhưng học không đầy đủ, hiểu biết chưa sâu xa hay tư tưởng bị lệch lạc là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng con người thể hiện văn hóa thấp.
Hiện tượng đua đòi theo lối sống phương tây, ảo tưởng mình là người có văn hóa cao biết thể hiện cái mới lạ chưa ai có là căn bệnh nguy hiểm của một số người có trình độ học vấn cao. Có không ít những người học vấn cao có lối sống ích kỷ, khép kín ngại giao tiếp với những người sống xung quanh, hành động chỉ vì quyền lợi cá nhân, thờ ơ với người thân hoặc những việc làm từ thiện, chốn tránh trách nhiệm công dân,…
Lại có không ít những người chăm chỉ học tập phấn đấu đạt được những bằng cấp cao hay đạt được những địa vị nhất định nào đó trong xã hội thì lại thiếu về kỹ năng sống hay kỹ năng xã hội, thậm chí còn không biết tiếng mẻ đẻ của mình, quên nguồn cội giống nòi, quên tục lệ của dòng họ, lai tạp văn hóa,…
Nói đến văn hóa là nói đến con người, là tổng hòa các mối quan hệ xã hội nên người có học vấn cao phải biết thể hiện văn hóa của mình phù hợp với văn hóa xã hội. Bác Hồ của chúng ta thật sự là người có văn hóa lớn, là danh nhân văn hóa của nhân loại. Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện ở lối sống giản dị nhưng vẫn toát lên sự hiểu biết sâu xa về mọi mặt của đời sống văn hóa. Đảng và nhà nước ta đang đẩy mạnh phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là dịp để toàn dân thực hiện lối sống có văn hóa tiên tiến, hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc.
Trên đây là vài nét suy nghĩ của tác giả về nhận định “Trong xã hội ta hiện nay, một số người có học vấn càng cao thì văn hóa càng thấp”. Đây là câu nói chỉ mang quan điểm của vài cá nhân nên tính chất đúng sai cũng chỉ là tương đối, chưa thể đánh đồng toàn bộ. Do vậy, tác giả bài viết nêu trên cũng chỉ xin trình bày vài nét suy nghĩ của cá nhân về câu nhận định đã cho dưới góc độ là phản biện xã hội. Mục đích của bài viết nhằm mong muốn những người có học vấn cao, hiểu biết rộng tự xem lại bản thân mà điều chỉnh và hoàn thiện hành vi, hành động của mình để có lối sống phù hợp với văn hóa của xã hội. Tác giả rất mong nhận được ý kiến phê bình của độc giả để hoàn chỉnh bài viết có chất lượng hơn.
Xin chân thành cảm ơn!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét