Học tập và làm theo tấm gương của Bác không phải là một việc gì đó cao xa, to lớn và khó khăn mà là việc làm thường xuyên, hằng ngày rất gần gũi với mỗi người trong chúng ta.
Những
việc làm của Bác thật giản dị, vô tư, trong sáng xuất phát từ trong
trái tim của một con người có lý tưởng cao đẹp biết sống có trách
nhiệm với quê hương đất nước, mà thể hiện rõ nhất là biết
sống vì cộng đồng xung quanh mình, biết yêu thương những con người ngay
chính nơi mình đang sinh sống và làm việc. Biết quan tâm và cảm thông
với những con người có hoàn cảnh không may. Càng học tập và làm theo
tấm gương của Bác lòng ta càng thấy trong sáng hơn, sống có ý nghĩa
hơn với nhân dân và Tổ Quốc.
Để thực
hiện theo tấm gương của Bác, trước tiên tôi nhận thấy cần phải khiêm
tốn, giản dị, chí công vô tư, tận tụy và có trách nhiệm cao với công
việc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Việc gì có lợi cho dân thì
hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
Sự khiêm tốn của Bác thể hiện ngay cả trong lời ăn tiếng nói cũng
như là sinh hoạt hằng ngày. Bác không bao giờ tự khoe khoang, khoác
lác là đã đi bao nhiêu nước, đến bao nhiêu châu, gặp những nhân vật
nào hay biết bao nhiêu thứ tiếng... Mà Bác luôn tạo cho mình một nếp
sống khiêm tốn, giản dị. Khi ở Việt Bắc, Bác mặc quần áo và nói
tiếng dân tộc Nùng – Tày mà người dân quen gọi là Ông Ké. Ở đâu Bác
cũng gần gũi với nhân dân, được nhân dân kính mến, giúp đỡ và che
trở. Khi đã là Chủ Tịch nước, Bác vẫn giản dị và khiêm tốn với bộ
quần áo Ka – Ki bạc màu và đôi dép cao su quen thuộc mà không một
huân, huy trương nào trên ngực, không một đôi dày hàng hiệu hay một bộ
veston, cà vạt… Khi phát biểu, giọng nói của Bác thật ấm áp, truyền
cảm chứ không “đao to búa lớn”, không hô hào những khẩu hiệu suông mà
luôn đặt vị trí của mình vào vị trí của người dân mà thấu hiểu
những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, luôn làm hết sức những công
việc phục vụ lợi ích của nhân dân.
Đối với một giáo viên, đứng trên bục giảng trước mấy chục học sinh,
gánh trên vai trách nhiệm đối với mấy chục phụ huynh, tôi nhận thấy
sự khiếm tốn càng phải thể hiện rõ và sâu sắc trong từng lời nói,
hành động của Thầy. Thầy thật sự phải là người khiêm tốn và giản
dị trước học sinh. Sự khiêm tốn của Thầy thể hiện trước học sinh
không phải im lặng hay khoe mình học được những gì ở trường Đại học,
mình đã có bằng cấp gì, cũng không phỉa dạy cho học sinh tất cả
những gì mình học được mà là dạy cho học sinh biết tự học, tự tìm
tòi, tự nghiên cứu. Dạy làm sao mà học sinh học ít nhưng hiểu nhiều,
nói làm sao để học sinh thấy gần gũi, tự nhiên chứ không phải ép
buộc học sinh phải hiểu theo ý của Thầy. Giáo dục đạo đức học sinh
bằng tấm gương tự giáo dục, tự tu dưỡng chứ không phải bằng biện
pháp kỷ luật, trách phạt. Việc gì mà thấy có lợi cho học sinh và
phụ huynh thì hết sức làm và đấu tranh bảo vệ lợi ích, sự công
bằng của học sinh. Việc gì mà gây khó khăn cho học sinh cũng như là
gia đình phụ huynh thì hết sức tránh. Thành tích giảng dạy của Thầy
không phải chỉ đánh giá về kết quả học tập cao của học sinh mà là
học sinh và gia đình đã thấy được lợi ích gì, niềm vui gì và niềm
hạnh phúc gì từ việc học. Từ đó cộng đồng thấy được lợi ích gì
từ môi trường giáo dục.
Là một giáo viên thì chí công vô tư càng rất quan trọng, nhất là đối
với việc kiểm tra và đánh giá học sinh. Chí công vô tư học theo Bác
nghĩa là phải công tâm, khách quan, đề nghị khen ngợi hay phê bình
phải đúng người, đúng việc, đúng thời điểm. Không được xuất phát từ
chủ quan, cảm tính, nể nang, bao biện. Cái đúng thì khen ngợi, khuyến
khích nhưng không tâng bốc. Cái xấu thì phê bình, rút kinh nghiệm và
uốn nắn chứ không trù dập, định kiến.
Đã là một con người biết sống có trách nhiệm với nhân dân, với cộng
đồng thì càng phải có trách nhiệm cao với công việc. Tận tụy làm
việc, theo Bác là phải thực hiện những cộng việc thật đơn giản,
thầm lặng mà hiệu quả. Làm đến đâu tốt đến đấy, làm nhiều việc
nhỏ cộng lại sẽ thành việc việc to. Muốn làm được việc lớn thì
trước tiên phải hoàn thành tốt những việc nhỏ và muốn công việc
được hoàn thành sớm thì phải làm ngay những công việc trước mắt chớ
để lần nữa, lần sau: “Đường tuy dài không đi không bao giờ đến/Việc
tuy nhỏ không làm chẳng bao giờ xong”.
Là một giáo viên mà lại là giáo viên chủ nhiệm lớp thì công việc
không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành các loại sổ sách, truyền đạt
kiến thức trong sách vở cho học sinh mà còn là cầu nối giữa học
sinh với nhà trường, giữa nhà trường với phụ huynh, giữa nhân dân với
học sinh và giữa học sinh với học sinh. Giáo dục học sinh không chỉ
bằng lý thuyết trong sách vở mà bằng ngay chính hành động thực tiễn
gương mẫu của người Thầy. Học sinh không chỉ học ở Thầy những triết
lí nhân văn mà học được từ mỗi Thầy cô những nhân cách con người
sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cộng đồng. Như
vậy, để thực hiện tốt và có trách nhiệm cao với nhân dân thì mỗi
thầy cô giáo đừng nên đánh giá thành tích cao của học sinh là thành
tích đáng tự hào của mình mà phải coi đó là trách nhiệm của một
người dạy học, phải xem những học sinh của mình có phẩm chất đạo
đức trong sáng, lành mạnh và có ích cho xã hội hay không hay chỉ là
những “cố máy công nghiệp”, vô cảm mà Bác nói là: “Có tài mà không
có đức”.
Như vậy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về sự
khiêm tốn, chí công vô tư, tận tụy và có trách nhiệm cao trong công
việc là làm cho con người ta sống có trách nhiệm hơn, có ích hơn cho
xã hội. Càng học theo Bác thì tâm hồn và hành động cảu ta càng
trong sáng hơn. Tâm đã trong sáng thì thể hiện ra hành động sẽ lành
mạnh. Học và làm theo Bác không khó bởi đó là những việc thường
xuyên, gần gũi, ai cũng có thể làm được nhưng không phải ai cũng đủ
dũng khí để vượt qua sự ích kỷ cá nhân của chính mình. Chính vì
vậy, ngay trong cuộc sống hằng ngày mỗi người chúng ta hãy lấy tấm
gương của Bác mà soi lại mình để luôn giữ mình trong sạch, tiếp thêm
nghị lực để hoàn thành tốt công việc với trách nhiệm cao vì lợi
ích của nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét